Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Cô gái Israel dạy võ tự vệ cho phụ nữ tại Hà Nội

Cô gái Israel dạy võ tự vệ cho phụ nữ tại Hà Nội

Yuval, cô gái Israel từng dạy võ trong quân đội, muốn trang bị cho phụ nữ tại Việt Nam kỹ năng tự vệ trước nguy cơ tấn công tình dục.

Đêm Chủ nhật, rạng sáng thứ hai một ngày tháng ba, một người đàn ông kéo khóa quần xuống, thủ dâm ngay trước mắt Nolwenn Christiaens khi cô đang khóa cửa nhà trọ ở quận Đống Đa, chuẩn bị đi ngủ.

Hắn đã bám theo cô gái Pháp 21 tuổi đang đi bộ về nhà, vừa nhìn chằm chằm vào cô, vừa tự sờ soạng người mình. Qua khe cửa sắt, Nolwenn hét to, tung cú đấm vào giữa mặt kẻ bệnh hoạn, khiến hắn hoảng sợ bỏ chạy. Ba giờ sáng, cô nhắn tin cảm ơn Yuval Miodovsky, cô giáo dạy võ 24 tuổi người Israel, vì đã áp dụng được kiến thức võ tự vệ.

“Trong hầu hết trường hợp phô dâm hay tấn công tình dục, kẻ tấn công không nghĩ nạn nhân sẽ phản ứng mạnh mẽ đến vậy. Tôi tin rằng Krav Maga đã trao cho tôi sức mạnh để phản ứng theo cách này thay vì bỏ chạy”, Nolwenn nói với VnExpress.

Nolwenn từng bị đàn ông tấn công tại quê hương cô ở Pháp. Ở Hà Nội, cô cũng thường bị bám theo, có lần bị một người đàn ông đe dọa buổi tối. Dù đánh giá Hà Nội an toàn hơn quê nhà, cô vẫn chọn học võ Krav Maga để tự vệ và duy trì vóc dáng.

Krav Maga, trong tiếng Do Thái có nghĩa “cận chiến”, là hệ thống võ tự vệ do quân đội Israel phát triển. Nó không phải là một môn thể thao nên không có quy luật võ đài. Krav Maga chủ yếu là sự kết hợp của các môn đấm bốc, vật, võ Aikido, Judo, Karate cùng các đòn khóa được rút tỉa qua quá trình áp dụng vào thực tế. Nó mang tính thực tiễn cao, với mục đích vô hiệu hóa mối nguy hiểm hay kẻ tấn công một cách nhanh nhất có thể.

Học võ Krav Maga từ khi 7 tuổi, đến nay, ở tuổi 24, Yuval có đai đen nhất đẳng. Cô chủ yếu dạy võ tự vệ cho các cô gái, phụ nữ Việt và người nước ngoài ở vài phòng tập thể thao khu vực Tây Hồ khoảng 8 tháng nay. Ngoài việc trang bị kỹ năng tự vệ trước những mối nguy hiểm như cướp bóc, cưỡng hiếp, Yuval dạy võ với mục tiêu giúp họ khoẻ mạnh, tự tin hơn, tăng độ dẻo dai, phản ứng linh hoạt và hiểu rõ môi trường xung quanh. Trong khoá học vài tháng, mỗi lớp gồm khoảng 5 – 10 người, Yuval dạy bạn gái tự vệ trước các cú đấm, ghì chặt từ đằng sau hoặc phía trước, 6 kiểu bóp cổ.

“Một cô gái Việt gần 30 tuổi từng học lớp tôi là nạn nhân xâm hại tình dục của chính một thành viên gia đình khi còn bé. Cô nhút nhát, căng thẳng khi tập đấm, đá, luôn giữ khoảng cách với mọi người”, Yuval kể.

Trong buổi dạy tự vệ trước sự khống chế từ đằng sau, Yuval choàng nhẹ tay sau lưng cô để làm mẫu, nhưng cô bất chợt đòi dừng lại để hít thở và trấn tĩnh. “Đôi tay cô run lẩy bẩy vì những ký ức về vụ xâm hại chợt lóe lên”, Yuval cho biết. Nhưng chỉ sau vài tháng huấn luyện, cô gái đã mạnh mẽ hơn, cười đùa, nói chuyện nhiều hơn với mọi người.

Theo báo cáo năm 2014 của tổ chức phi chính phủ Action Aid, có trụ sở ở Nam Phi, 87% phụ nữ Việt Nam cho biết họ là nạn nhân của quấy rối tình dục nơi công cộng. Trong khảo sát với hơn 2.000 phụ nữ và nam giới ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 40% người được hỏi từng chứng kiến phụ nữ bị quấy rối, nhưng 65% đàn ông nói họ không can thiệp khi thấy hành vi quấy rối.

Khi tình trạng bạo lực hay quấy rối xảy ra ở nơi công cộng, 47% phụ nữ giữ im lặng thay vì báo cảnh sát hoặc những người khác.

Yuval hướng dẫn các học viên cách

Yuval hướng dẫn các học viên cách khống chế khả năng bị nắm hai tay. Ảnh: Trọng Giáp.

Là người thích phiêu lưu, hồi 15 tuổi, Yuval từng gõ cửa nhiều nhà người lạ để xin chụp ảnh ở Israel. Đến Việt Nam năm 2016, cô cũng từng phượt một mình bằng xe máy từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Quảng Bình trong hai tuần. Dù vậy, cô chưa bao giờ gặp tình huống nguy hiểm để phải dùng đến võ tự vệ. Bởi Yuval luôn sử dụng trực giác, tránh tối đa đặt mình vào các hoàn cảnh nguy hiểm, tránh đối đầu hết mức có thể và coi võ thuật là biện pháp bất khả kháng cuối cùng. Cô tin mình sẽ không bị ai làm hại “khi bước đi với nụ cười và ánh nắng mặt trời trong tim”.

Tuy nhiên, khi còn trong quân ngũ, cú đấm không dùng hết sức của cô từng khiến một lính nam bật máu miệng, một người sưng vù mắt trong suốt một tuần. Yuval từng là người huấn luyện cận chiến trong quân đội Israel.

Giống như tất cả cô gái khác ở đất nước Trung Đông Israel, cô thực hiện nghĩa vụ quân sự trong hai năm ở tuổi 18. Sau khi nhập ngũ, tham gia khóa huấn luyện quân sự căn bản dài 4 tháng, cô vượt qua 150 tân binh, giành vị trí số một để trở thành người huấn luyện tác chiến bộ binh. Yuval sau đó được phân công về căn cứ của lữ đoàn bộ binh Givati, phía nam Israel, trở thành một trong 8 nữ huấn luyện viên cho hàng nghìn tân binh kỹ thuật cận chiến.

Yuval còn nhớ ánh mắt của những nam tân binh khi thấy cô bước vào và tự giới thiệu là huấn luyện viên cận chiến. Đó là sự pha lẫn của những ánh mắt ngưỡng mộ và coi thường, giữa: “chắc chị ấy phải giỏi đến mức nào mới được lên vị trí đó” và “con bé này là ai mà dám dạy mình đánh nhau?”. Khi đó, điều duy nhất cô phải làm là thể hiện năng lực chiến đấu vượt trội.

Vẻ bề ngoài và giọng nói cho thấy Yuval là một cô gái mạnh mẽ, cứng rắn, nhưng có lúc cô cũng từng khóc vì bị phạt trong quân ngũ. Đó là khi cô nhỡ nhấc điện thoại gọi cho bố khi đang chuẩn bị về thăm nhà, nhưng quên là phải bước hẳn ra khỏi lằn ranh khu vực cấm sử dụng điện thoại. Mức phạt là một tháng không được về thăm gia đình.

Nhà Yuval ở thành phố Haifa, cách căn cứ cô đóng quân khoảng 6 tiếng di chuyển, gồm hai chuyến xe khách, một chuyến tàu. “Thử tưởng tượng rất lâu rồi bạn mới được gặp gia đình. Rồi điều bạn đang mong chờ bấy lâu bỗng bị đoạt mất chỉ trong tích tắc”, Yuval chia sẻ lý do cô khóc.

Cũng có lần, cô bị phạt khi gác đêm. Theo quy định, người lính phải gác trong 2 – 4 giờ, mỗi giờ được ngồi nghỉ đúng 10 phút nhưng không được phép nhắm mắt. Trót nhắm mắt vài giây trong lúc ngồi, mở mắt ra, Yuval giật mình khi thấy cấp trên đứng ngay trước mặt, nói một câu ba từ: “Cô bị phạt”. Lại thêm một tháng nữa Yuval không được thăm nhà, phải ở lại trại trong khi mọi người về hết. Tuy nhiên, chính những lệnh phạt đó dạy cô quý trọng khoảng thời gian ở bên người thân, điều trước khi nhập ngũ cô cho là dĩ nhiên.

Sau khi rời quân ngũ, cô đi du lịch nhiều nơi, trong đó có các nước Trung Đông, châu Âu. Năm 2016, cô dừng chân tại Việt Nam sau chuyến du lịch Đông Nam Á cùng bạn trai cũ và tình cờ tìm được việc huấn luyện viên đạp xe tại một phòng gym lớn ở thành phố Hồ Chí Minh. Yuval làm việc tại đó trong 8 tháng, trước khi chuyển tới Hà Nội và được làm việc dạy võ, niềm đam mê thực sự của mình.

Bạn trai cũ của cô cũng là võ sĩ Krav Maga đai đen nhị đẳng. Nhưng cô không đặt nặng liệu bạn trai tương lai có giỏi đánh nhau hay không. “Vì tôi yêu hòa bình mà”, Yuval cười.

Yuval hướng dẫn học viên Việt Nam khoá tay đối phương. Ảnh: Trọng Giáp.

Yuval hướng dẫn học viên Việt trong lớp võ tự vệ Krav Maga. Ảnh: Trọng Giáp.

Trọng Giáp | Theo Vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *